Truy cập nội dung luôn

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 37
  Tổng lượt truy cập: 414156

Liên kết Liên kết

Chi tiết tin

Hiểu đúng về Sars-Cov2 và Covid-19
31/03/2020

Đại dịch COVID-19 (Coronavirus Disease 2019) do virus SARS-CoV-2 (Severe Acute respiratory syndrome Coronavirus 2) gây ra lần đầu tiên lây truyền sang Việt Nam vào ngày 23/01/2020 với hai trường hợp được xác nhận ở thành phố Hồ Chí Minh, là 02 người Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đại dịch ở Việt Nam có thể chia thành 02 giai đoạn, giai đoạn I từ 23/01 đến 25/02 với 16 ca bệnh đã được điều trị khỏi hoàn toàn và giai đoạn II từ 06/3 đến nay với nhiều ca bệnh mới được phát hiện mà phần lớn trong số đó là những người đến từ vùng có dịch trên thế giới. Tính đến 7 giờ 30 ngày 31/3, Việt Nam đã có 204 ca dương tính, 55 trường hợp điều trị khỏi (16 ca giai đoạn I và 39 ca giai đoạn II), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Trước tình trạng dịch bệnh tăng nhanh, toàn thể hệ thống Chính trị của nước ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước khẩn trương chống dịch trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca mắc bệnh vẫn còn tiếp tục tăng do nhiều nguyên nhân trong đó có cả những nguyên nhân do ý thức kém của một số cá nhân trong cộng đồng, một số người dân đã tỏ ra hoang mang lo sợ nhất là trong tình hình có nhiều thông tin không chính thống tràn lan trên mạng.

Vì vậy, việc hiểu đúng về virus SARS-CoV-2 và bệnh COVID-19 là hết sức cần thiết trong việc ổn định tâm lý “khẩn trương nhưng không hoảng loạn” và cũng để phòng tránh tốt lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

* SARS-CoV-2 là gì?

SARS-CoV-2 hay còn gọi là Coronavirus 2019 mới (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người.

Coronavirus (còn được gọi là virus corona hay siêu vi corona) là một nhóm gồm nhiều loại virus thuộc phân họ Coronavirinae của bộ Nidovirales. Coronavirus gây bệnh ở các loài động vật có vú, bao gồm cả con người và chim. Ở người, virus gây nhiễm trùng đường hô hấp thường là nhẹ nhưng trong một số ít trường hợp, với một số chủng virus có thể làm bệnh chuyển biến nặng và gây tử vong. Có 6 thành viên đã biết của họ nầy có thể gây bệnh trên người là CoV 229E, CoV OC43, SARS-CoV (2002), HCoV NL63 (2004), HKU1 (2005), MERS-CoV (2012) trong đó có 2 loại đã gây ra các vụ dịch lớn gây chết người hàng loạt trên thế giới là SARS-CoV (2002) và MERS-CoV (2012).

Ngày 31/12/2019, một chủng Coronavirus mới được ký hiệu 2019-nCoV (new CoronaVirus 2019) hay SARS-CoV-2 (Severe Acute respiratory syndrome Coronavirus 2), đã gây ra một vụ dịch nghiêm trọng tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, sau đó lan sang các nơi khác trên giới. SARS-CoV-2 được xác định từ một ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán. SARS-CoV-2 là chủng virus thứ 7 mới chưa được xác định trước đó.

* Nguồn gốc của SARS-CoV-2 từ đâu?

Theo những nghiên cứu đã được công bố, SARS-CoV-2, giống như MERS-CoV và SARS-CoV, đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi sau đó chuyển sang các vật chủ trung gian khác trước khi lây nhiễm sang người. SARS-CoV, bắt nguồn từ loài cầy hương, trong khi MERS-CoV, bắt nguồn từ lạc đà. Các nghiên cứu trên thế giới vẫn đang tiếp tục phân tích cây di truyền của SARS-CoV-2 để biết rõ hơn nguồn gốc lây nhiễm cụ thể của virus nầy. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 7/2 của các nhà khoa học Trung Quốc thì tê tê chính là vật chủ trung gian truyền SARS-CoV-2 sang người.

* Cơ chế SARS-CoV-2 lây lan như thế nào?

Như những CoronaVirus gây bệnh cho người khác, SARS-CoV-2 ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus nầy lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể của người bệnh. Virus cũng có thể bị lây từ việc chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

SARS-CoV-2 lây truyền qua 4 con đường chính: 

  • Lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh (giọt nước bọt từ việc ho, hắt hơi, sổ mũi). 
  • Lây trực tiếp: do tiếp xúc với người bệnh, bao gồm cả việc bắt tay người bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng tránh.
  • Lây truyền gián tiếp: khi chúng ta vô tình chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
  • Lây nhiễm qua đường phân: những người chăm sóc bệnh nhân có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Khi xâm nhập vào cơ thể người, SARS-CoV-2 sẽ gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.

* Những triệu chứng và biến chứng SARS-CoV-2 có thể gây ra là gì?

SARS-CoV-2 gây nên bệnh cảnh gọi là COVID-19.

Các triệu chứng của COVID-19 khởi đầu khá giống với cảm lạnh. Do đó để xác định có mắc bệnh hay không cần thực hiện xét nghiệm. Triệu chứng COVID-19 có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm: 

  • Đau nhức đầu, khó chịu.
  • Sốt cao (trên 38 độ).
  • Chảy nước mũi.
  • Ho hoặc đau họng.
  • Cảm thấy khó thở.
  • Đau cơ, mệt mõi.

Thực tế, ở mỗi người bệnh do sức đề kháng khác nhau sẽ có biểu hiện khác nhau. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày. Lúc này, trong cơ thể đã có virus nhưng chưa có dấu hiệu gì rõ ràng. Khi khởi phát, COVID-19 sẽ gây sốt, tổn thương đường hô hấp. Một số trường hợp, gây viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

* Nguyên nhân khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng: những người không có triệu chứng vẫn có thể lan truyền SARS-CoV-2.

Theo ước tính “rất thận trọng” của TS.Asok Kurup - Chủ tịch Hiệp hội chuyên môn bệnh truyền nhiễm, Học viện Y khoa (Singapore), mỗi người mắc bệnh COVID-19 có thể lây cho ít nhất 3 hoặc 4 người khác. Thực tế cho thấy, cơ chế lây nhiễm của virus này gần giống với H1N1 hay cúm hơn là SARS. Nó có thể lây nhiễm ngay khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ, thậm chí những người không có triệu chứng (không có dấu hiệu bị bệnh). Có nghĩa là những người này có thể truyền virus trước khi phát bệnh mà không phát hiện được. Bởi vậy, số ca nhiễm COVID-19 cứ liên tục tăng, một “sự lây lan chưa từng thấy”.

Du lịch quốc tế chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh 

Mặc dù sau khi WHO phát cảnh báo COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (30/01/2020), nhiều quốc gia đã có sự đình chỉ và hạn chế các chuyến bay đi và đến ổ dịch đầu tiên là TP Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nói một cách dễ hiểu hơn thì rất nhiều người nhiễm bệnh COVID-19 nhưng không có triệu chứng trên khắp thế giới có thể vẫn đang đi du lịch và việc truyền bệnh là hoàn toàn có khả năng. Thêm vào đó, trong giai đoạn đầu, một số nước vẫn còn xem đây là một dịch bệnh thông thường nên chưa có các động thái quyết liệt để phòng chống.

* Khuyến cáo của Bộ Y tế để chủ động phòng bệnh              

Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do SARS-CoV-2, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:                      

1. Hạn chế ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc; sinh hoạt lành mạnh.

5. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

6. Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

7. Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

8. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến trên tokhaiyte.vn; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

Về mặt Nhà Nước, ngày 27/3/2020, với phương châm “Chỉ có 2 tuần để hành động, cả nước cùng chung tay chống dịch, chiến đấu với Covid-19”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg trong đó có thể kể đến 10 biện pháp cứng rắn để khống chế dịch như sau:

  1. Người dân ở trong nhà, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
  2. Quản lý chặt chẽ việc đi lại từ vùng đang có dịch.
  3. Tạm dừng hoạt động hội họp, sự kiện trên 20 người.
  4. Đóng cửa toàn bộ dịch vụ cơ sở không cần thiết.
  5. Cấm tụ tập hơn 10 người.
  6. Xét nghiệm trên diện rộng.
  7. Chuẩn bị đủ thiết bị y tế.
  8. Cấm đầu cơ tích trữ nhu yếu phẩm, vật tư y tế.
  9. Quản lý nghiêm biên giới, đường bộ, hàng không, đường thủy.
  10. Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Với động thái quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, sự vào cuộc của cả Hệ thống Chính trị trên cả nước mà trên hết là sự hiểu biết cơ bản về SARS-CoV-2 và Covid-19 từ đó người dân có sự chủ động phòng chống, chung sức, hỗ trợ với nhau cùng phòng chống lây nhiễm, điều trị tốt những ca bệnh; chắc chắn dịch bệnh CoVid-19 ở nước ta sẽ bị đẩy lùi./.

Bài và ảnh: Văn Ba

Thông báo Thông báo

Văn bản mới Văn bản mới

 về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B
 Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
 Quyết định ban hành “Đề cương tài liệu chuyên môn Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh”
 Quyết định số ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em
 Thông tư quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Hình ảnh Hình ảnh

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1