Truy cập nội dung luôn

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 38
  Tổng lượt truy cập: 413748

Liên kết Liên kết

Chi tiết tin

BỆNH PHỔI TẮT NGHẼN MẠN TÍNH, HIỂU BIẾT ĐỂ PHÒNG NGỪA
04/11/2018

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease - COPD) là bệnh có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe người bệnh.  Đây là một trong những bệnh gây tàn phế (suy hô hấp) và có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng mùa lạnh, bệnh rất dễ xuất hiện, tuy vậy, có thể phòng ngừa để hạn chế sự có mặt của nó.

 

Đâu là nguyên  nhân?

   Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng bệnh lý xảy ra ở phổi, làm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên, ngày một nặng thêm và khó hồi phục. Nguyên nhân chủ yếu là do hút thuốc lá (có khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có 1 người mắc COPD và có khoảng 80 - 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá). Một số chất khác có thể gây COPD bao gồm khói xì gà, khói thuốc lào, khói nhà máy, ô nhiễm không khí và khói hóa chất. Một số bệnh về phổi kéo dài như viêm phế quản mạn tính (làm tăng sản xuất chất nhờn và có thể thu hẹp các ống phế quản), giãn phế quản, giãn phế nang, hen suyễn (co thắt phế quản) cũng gây nên COPD. Trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể làm gia tăng thêm bệnh COPD hoặc tạo điều kiện cho COPD xuất hiện. Hút thuốc thụ động, hoặc do nghề nghiệp tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất thường xuyên cũng dẫn đến COPD.

Không nên chủ quan với biểu hiện của bệnh

     Triệu chứng của COPD phát triển chậm. Những triệu chứng đầu tiên có vẻ nhẹ, vì vậy, người bệnh thường cho rằng không đáng quan tâm cho nên càng ngày bệnh càng nặng dần. Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Khó thở lúc đầu chỉ thỉnh thoảng. Khi bệnh nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở và đôi khi phải dùng mặt nạ để thở ôxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị phù nề và xuất tiết nhiều làm tắt nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho nhiều suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng khi có nhiễm khuẩn. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, chán ăn. Một người bệnh được chẩn đoán là COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong 1 năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng 2 năm trở lên; đồng thời khó thở càng ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. COPD dễ nhầm với hen suyễn. Phân biệt bằng cách: Bệnh hen suyễn sẽ lên cơn hen cấp tính mỗi khi gặp phải chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) hoặc chất kích thích, trong khi đó, COPD không nhất thiết như vậy. Tuy vậy, bệnh hen suyễn dẫn đến suy hô hấp chậm hơn COPD. Với bệnh COPD mà khi đã có ho nhiều, khó thở nặng và tăng tiết chất nhày nhiều thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Chẩn đoán COPD bằng cách đến bệnh viện chuyên khoa đo chức năng hô hấp.

Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân tại bệnh viện

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Điều trị và phòng bệnh thế nào?

       COPD là một bệnh trường diễn, vì vậy, việc điều trị gặp không ít khó khăn. Các thuốc corticosteroid có thể làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh hen cấp tính nhưng lại tác dụng hạn chế trong COPD giai đoạn ổn định. Trong khi đó, thuốc anticholinnergic dạng bơm đem lại hiệu quả khá cao trong COPD. Nhiều tác giả khuyến nghị nên dùng các thuốc anticholinergic là thuốc điều trị duy trì đối với COPD và khi bệnh tiến triển xấu, cần kết hợp với các thuốc chủ vận bêta hoặc một số thuốc khác. Khi bệnh tái phát nặng thì nên dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn (nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn) từ 10 - 14 ngày, đồng thời dùng thuốc giãn phế quản khí dung hoặc uống hay tiêm theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Trong trường hợp suy hô hấp và có điều kiện, nên cho thở ôxy.     

      Ðể phòng COPD, điều quan trọng nhất là bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, khói độc hại, bụi. Thuốc lá, thuốc lào không những là những nguyên nhân gây COPD mà còn là những nguy cơ cao của các bệnh về phổi, đặc biệt là ung thư phổi. Cần có bảo hộ lao động tốt cho những người làm việc trong môi trường có hóa chất, khói, bụi bặm. Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy, tuy vậy, những lúc thời tiết chuyển mùa, nhất là mưa, lạnh chỉ nên tập thể dục trong nhà. Thời tiết mưa nhiều, lạnh, cần mặc ấm, không để nhiễm lạnh đột ngột. Khi ra đường, cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm; tay, chân cần đi tất. Luôn luôn có đủ thuốc để dự phòng mà bác sĩ đã kê đơn trong các lần khám bệnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa.

8 lời khuyên cho người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

1.   Hãy đến bác sĩ ngay khi bạn có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng. Hãy đo chức năng hô hấp để xác định xem liệu bạn có mắc COPD.

2.  Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn cần đến khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.

3.  Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu bạn là người hút thuốc lá, thuốc lào. Hãy yêu cầu bác sĩ giúp đỡ, cho lời khuyên. Tránh xa nơi có nhiều người hút thuốc và những vật dụng liên tưởng đến thuốc lá. Dùng thuốc cai thuốc nếu cần.

4. Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.

5. Luyện tập, giữ cho thân thể khoẻ mạnh. Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

6.  Nếu bạn bị COPD mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khoẻ cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.

7.  Đến bệnh viện hay bác sĩ ngay nếu tình trạng của bạn của bạn xấu đi.

-   Cần chuẩn bị sẵn: số diện thoại của bác sỹ, bệnh viện mà bạn có thể đến ngay được, danh sách các thuốc bạn đang dùng.

-   Đi cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu nguy hiểm sau đây: nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng - thở vẫn gấp và khó.

            8. Phòng nhiễm khuẩn hô hấp: tiêm vacin phòng cúm hàng năm, tiêm vacin phòng phế cầu mỗi bốn năm, tránh nhiễm lạnh, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh…

Lâm Tấn Thành

Thông báo Thông báo

Văn bản mới Văn bản mới

 về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B
 Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
 Quyết định ban hành “Đề cương tài liệu chuyên môn Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh”
 Quyết định số ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em
 Thông tư quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Hình ảnh Hình ảnh

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1