Truy cập nội dung luôn

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 29
  Tổng lượt truy cập: 414454

Liên kết Liên kết

Chi tiết tin

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lao
01/10/2023

Người bệnh lao sức đề kháng và hệ thống miễn dịch thường rất yếu do bị chán ăn, suy kiệt, giảm hấp thu chất dinh dưỡng, kể cả các vi chất. Quá trình chuyển hóa bị thay đổi theo chiều hướng tăng tiêu hao năng lượng dẫn đến thiếu chất và sụt cân. Do đó, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân lao sẽ làm tăng sức đề kháng, tăng hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và khỏi bệnh.

1.Vai trò của chất dinh dưỡng trong bệnh lao

Chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình điều hoà chuyển hoá trong cơ thể, xây dựng, sửa chữa các mô, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật. Năng lượng nạp vào sẽ tùy theo thể trạng, có nghĩa là phải phù hợp với chỉ số BMI của người bệnh. Nếu là người gầy, cần ăn nhiều để đạt được chỉ số BMI trên 18,5.

Trong khẩu phần ăn của người mắc bệnh lao cần bổ sung đủ 4 nhóm thực phẩm chính: Đường, đạm, dầu mỡ, Vitamin và khoáng chất, ưu tiên cung cấp đường có trong quả chín để giải độc gan và hạn chế tác dụng phụ của thuốc lao. Những món ăn cho người bị bệnh lao cần đa dạng để dễ hấp thu, đầy đủ dưỡng chất và tạo sự kích thích ăn uống, vì người bệnh lao dễ chán ăn do tác dụng phụ của thuốc điều trị lao. Do đó người bệnh lao dễ bị suy dinh dưỡng nặng, suy dinh dưỡng làm suy giảm miễn dịch, từ đó tăng nguy cơ nhiễm lao tiềm ẩn, phát triển thành bệnh lao và lao kháng thuốc. Chính vì thế, bổ sung đúng, đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân lao là một vấn đề hết sức cần thiết và được chú trọng.

2. Nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh lao

Người bệnh lao cần tăng nhu cầu năng lượng.

Tỷ lệ % năng lượng từ protein: 15-30%

Tỷ lệ % năng lượng từ chất béo: 25-35%

Tỷ lệ % năng lượng từ carbohydrate: 45-65%

Nhu cầu năng lượng của người bệnh lao, dành cho người dị hoá và suy dinh dưỡng khoảng 35-40 kcal/kg/ngày. Nhu cầu dinh dưỡng khác biệt theo tuổi, giới, hoạt động thể lực. Vài nghiên cứu cho thấy, nhu cầu năng lượng cho người bệnh lao không lao động là 37 kcal/kg/ngày (nam 39 Kcalo/kg/ngày, nữ 35 kcal/kg/ngày). Nhu cầu năng lượng bổ sung cho người mắc lao chưa được xác định rõ, nhưng dựa vào mức tăng 14% chuyển hoá cơ bản, tăng 10% nhu cầu ở người nhiễm HIV, nên nhu cầu năng lượng cho người bệnh lao tăng lên khoảng 40 kcal/kg/ngày.

Nhu cầu carbohydrate

Tỷ lệ năng lượng do carbohydrate cung cấp chiếm 55-75% tổng năng lượng khẩu phần. Nguồn thực phẩm: ngũ cốc, đậu đỗ, rễ, củ, rau…

Nhu cầu protein

Nhu cầu protein từ 1,2-1,5 g/kg/ngày, giúp dự phòng teo cơ. Năng lượng từ protein nên chiếm 10-15% tổng năng lượng khẩu phần. Protein có thể từ thức ăn động vật và thực vật. Protein từ thức ăn động vật: thịt, sữa, trứng… có tỷ lệ acid amin thiết yếu cao hơn nên có giá trị sinh học cao hơn. Protein từ thực vật: ngũ cốc, đậu đỗ, rau, củ, quả… là nguồn bổ sung.

Nhu cầu chất béo

  • Nhu cầu chất béo chiếm 15-30% tổng năng lượng khẩu phần.
  • Chất béo có nhiều trong mỡ động vật, dầu thực vật, hạt, sữa, sản phẩm từ sữa, thịt…
  • Ngũ cốc, đậu đỗ có ít chất béo hơn.
  • Lạc có 40% chất béo, nhưng cũng là thực phẩm nhiều protein.

Nhu cầu vi chất

Người bệnh lao có nồng độ vitamin A, D, E sắt, kẽm, selen trong máu thấp. Các tài liệu khuyến nghị có thể bổ sung vi chất đúng theo nhu cầu khuyến nghị (1RDA) cho người bệnh lao có thiếu vi chất. Cần sàng lọc xác định tình trạng thiếu máu và bổ sung sắt, acid folic 2 tuần sau khi bắt đầu liệu pháp điều trị lao. Hàm lượng vitamin D huyết thanh thấp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn, cải thiện tình trạng thiếu vitamin D giúp điều hoà, tăng trưởng các chức năng của tế bào miễn dịch, hàm lượng vitamin D huyết thanh phụ thuộc việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời, cao vào mùa hè, thấp vào mùa xuân. Nên sự xuất hiện bệnh lao có liên quan theo mùa. Người ta cũng từng thấy rằng hiệu quả điều trị lao rất tốt khi người bệnh lao được bổ sung lượng vitamin D bị thiếu hụt.

Nhu cầu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai, cho con bú bị bệnh lao

Cần bổ sung năng lượng, protein, acid folic, canxi, sắt. Phụ nữ có thai cần tăng 300 Kcal/ngày, 15 g protein, 400 mcg acid folic, 1000 mg canxi và 38 mg sắt mỗi ngày. Bà mẹ cho con bú cần tăng 400-500 kcal/ngày, 19-25 g protein/ngày, ăn thêm vitamin A.

Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ mắc lao

Bệnh lao ảnh hưởng tới khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ (do chán ăn), trẻ nên ăn chia thành 6 bữa thay vì 3 bữa mỗi ngày, bữa ăn cần được trình bày đẹp, mùi vị hấp dẫn, đủ năng lượng, đồ uống cao năng lượng, giàu protein (cân đối vi chất và chất dinh dưỡng đa lượng), đường, đạm, chất béo có thể được dùng trong cháo, súp, nước hầm. cung cấp thêm tối thiểu 500-750 ml sữa hoặc sữa chua mỗi ngày để đảm bảo đủ vitamin D và canxi, cho trẻ uống nước sinh tố nguyên chất để giảm khối lượng thức ăn ở mỗi bữa, bổ sung thêm vitamin B6 từ nấm men, mầm lúa mì, thịt lợn, gan, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, khoai tây, chuối, bột yến mạch… Cần uống đủ nước, tối thiểu 10-12 cốc/ngày.

3. Kết luận

Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh lao, giúp cho người bệnh đáp ứng tốt với điều trị, rút ngắn thời gian điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, việc kết hợp dinh dưỡng trong điều trị còn có tác dụng điều hòa các rối loạn chuyển hóa làm giảm một số bệnh do thiếu hụt dinh dưỡng gây ra.

Dinh dưỡng cho người bệnh lao cũng cần được sự tư vấn, chỉ định trực tiếp của bác sĩ điều trị, bởi chính bác sĩ là người nắm rõ tình trạng bệnh nhất và có những chỉ định, lời khuyên xác thực nhất cho chế độ ăn uống kết hợp với điều trị bệnh lao một cách hiệu quả.

Lê Nguyễn Châu Út

Nguồn tham khảo

Nguyễn Quang Dũng, Dinh dưỡng cho người bệnh lao.

Thông báo Thông báo

Văn bản mới Văn bản mới

 về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B
 Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
 Quyết định ban hành “Đề cương tài liệu chuyên môn Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh”
 Quyết định số ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em
 Thông tư quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Hình ảnh Hình ảnh

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1