Truy cập nội dung luôn

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 78
  Tổng lượt truy cập: 414281

Liên kết Liên kết

Chi tiết tin

Tổng quan về vệ sinh tay
22/11/2020

     Bàn tay là phương tiện trung gian làm lan truyền tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện và các tác nhân gây bệnh đề kháng kháng sinh. Bàn tay dễ dàng bị ô nhiễm khi chăm sóc và điều trị người bệnh vì các vi khuẩn cư trú ở lớp sâu của da và xung quanh móng tay. Các nhiễm khuẩn liên quan tới bàn tay đang là vấn đề y tế toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn bàn tay. Các vi khuẩn thường có ở trên da nguời hoặc trên các bề mặt drap giường, giường, dụng cụ thường xuyên cầm nắm và sử dụng. Các vi khuẩn này ít có khả năng nhân lên trên tay và có thể loại bỏ dễ dàng bằng vệ sinh tay thường quy. Do vậy, vệ sinh tay nhằm mục đích loại bỏ vết bẩn nhìn thấy bằng mắt thường trên bàn tay, phòng ngừa sự lan truyền mầm bệnh từ cộng đồng vào bệnh viện, ngăn ngừa sự lan truyền mầm bệnh từ bệnh viện ra cộng đồng, ngăn ngừa các nhiễm khuẩn chéo người bệnh có thể mắc phải trong bệnh viện.

     Vệ sinh tay có thể thực hiện bằng cách chà tay với dung dịch chứa cồn hay rửa tay với xà phòng và nước sạch. Cách hiệu quả nhất để đảm bảo vệ sinh tay tối ưu là sử dụng dung dịch chà tay chứa cồn. Theo hướng dẫn của WHO về vệ sinh tay, khi dung dịch chà tay chứa cồn có sẵn, nên sử dụng như phương tiện ưu tiên để sát khuẩn tay thường quy vì dung dịch này có những ưu điểm sau: loại bỏ hầu hết các tác nhân gây bệnh kể cả vi rút, tốn ít thời gian để vệ sinh tay (20 đến 30 giây), dung nạp da tốt, không cần bất kỳ trang thiết bị đặc biệt nào (nguồn nước sạch, bồn rửa tay, xà phòng, khăn lau tay).

1. Lịch sử về vệ sinh tay:

     Năm 325, Hoàng đế Constantinus đã xây dựng cơ sở chăm sóc người bệnh cho từng thành phố. Đây là những bệnh viện đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân được xếp vào các buồng bệnh một cách ngẫu nhiên. Chưa có khái niệm về khử trùng tay và dụng cụ. Cho đến những năm 1800, phẫu thuật viên thường lau chùi dụng cụ trên chính quần áo của mình. Đặc biệt, tại các khoa sản, nhiễm khuẩn trong thời kỳ sinh nở là mối hiểm họa cho người mẹ. Năm 1793, Alexandre Gordon, người đầu tiên xác nhận thầy thuốc là người lây truyền sự nhiễm trùng cho các sản phụ. Năm 1843, Oliver Wendell Holmes (Mỹ), khẳng định, bệnh sẽ lây truyền từ người này sang người khác và thầy thuốc tình cờ đóng vai trò quyết định.

     Vào những năm cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, tại nhiều bệnh viện ở châu Âu, tỷ lệ tử vong của sản phụ thường rất cao, có khi đến 1/3 số trường hợp sinh đẻ. Họ bước chân vào phòng sinh với tâm trạng lo âu, hồi hộp và nghĩ đến cái chết luôn chờ đợi ám ảnh. Lúc bấy giờ, nhiều bệnh lây nhiễm đã được xác định nhưng phải đến khi ông Semmelweis mới chứng minh được sốt hậu sản là do lây nhiễm. Ignaz Philipp Semmelweis chào đời năm 1818, tại Ofen, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Danube (Hungary) trong một gia đình tiểu thương. Năm 1846, Bác sĩ Semmelweis đến làm việc tại một bệnh viện trong thành phố Vienna. Tại đây, ông luôn lo lắng vì tỷ lệ tử vong của chứng sốt hậu sản quá cao và đã để tâm theo dõi hiện tượng này. Ông đã khẳng định, nguyên nhân sốt hậu sản là do bàn tay không rửa của các bác sỹ và các sinh viên y khoa chứa tác nhân gây bệnh. Năm 1847, ông chứng minh được rằng, tỷ lệ tử vong của người mẹ sẽ giảm đi đáng kể nếu như thầy thuốc ngâm tay vào dung dịch calcium chloride trước khi đỡ đẻ. Tháng 5/1847, Semmelweis đưa ra một biện pháp tích cực: “Bất cứ ai khám sản phụ, trước khi vào phòng đẻ, phải rửa tay bằng xà phòng rồi ngâm tay vào dung dịch chloride”. Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng giảm đi nhanh chóng. Tháng 4, khi chưa áp dụng biện pháp này, tỷ lệ tử vong là 18%. Tháng 7, sau khi áp dụng, tỷ lệ tử vong chỉ còn 1%. Ngày nay, ở Hungary người ta lập nên bảo tàng Semminweis, bệnh viện Semminweis. Tại Áo, người ta thành lập bệnh viện sản khoa Semminweis. Ông đã được ghi nhận là người mở đường cho học thuyết về vô trùng và học thuyết về nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV).

     Năm 1879, tại một hội thảo khoa học ở Paris, bác sĩ Louis Pasteur đã lên tiếng: “Nguyên nhân gây tử vong ở những bà mẹ bị nhiễm trùng hậu sản chính là các bác sĩ đã sử dụng bàn tay khám các bà mẹ bị bệnh rồi khám các bà mẹ mạnh khoẻ”. Năm 1910, bác sĩ Josephine Baker (Hoa Kỳ) đã tổ chức khoá tập huấn đầu tiên giảng dạy về vệ sinh bàn tay cho cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhi.

2. Các căn cứ khoa học:

     Năm 1992, một báo cáo khoa học của New England công bố kết quả nghiên cứu về rửa tay tại khoa Hồi sức tích cực. Báo cáo cho thấy, mặc dù đã áp dụng những biện pháp giáo dục và giám sát đặc biệt, nhưng tỷ lệ tuân thủ rửa tay ở nhân viên y tế (NVYT) chỉ xấp xỉ 30% và tỷ lệ cao nhất chỉ đạt 48%.

     Cũng năm đó CDC (Mỹ) cho biết tỷ lệ NKBV giao động từ 5-15% tại các BV, điều này dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn trên NVYT và năm 1993 đã có 11 NVYT mắc bệnh viêm gan A do không rửa tay sau khi tiếp xúc với 1 trong 2 bệnh nhân viêm gan A.

     Tổ chức y tế thế giới - WHO (2007) trên cơ sở những khuyến cáo của CDC (2002), Đức - Pháp (2002) và ý kiến của các chuyên gia KSNK hàng đầu trên thế giới dựa vào các kết quả nghiên cứu khoa học đã đưa ra khuyến cáo: rửa tay là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và cũng hiệu quả nhất trong KSNK, do đó cần tăng cường sự tuân thủ rửa tay. Sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn là phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất trong kiểm soát NKBV.

     Hầu hết các báo cáo tại hội nghị Kiểm soát nhiễm khuẩn khu vực Châu Á Thái Bình Dương lần thứ III và thứ IV (tháng 7/2007 và 7/2009) có chung một khuyến cáo, đó là cần tăng cường sự tuân thủ rửa tay.

     Năm 2007, WHO chọn ngày 05/5 hàng năm là ngày vệ sinh tay trong chăm sóc bệnh nhân. Năm 2008, Liên Hợp quốc đã chọn ngày 15/10 hàng năm là ngày Thế giới rửa tay với xà phòng.

3. Thời điểm vệ sinh tay và các bước vệ sinh tay

     Rửa tay đúng thời điểm là một trong những cách đơn giản để tránh nhiễm bệnh và lây lan vi khuẩn. Ngày 05/05/2009 WHO đã kêu gọi toàn thế giới với khẩu hiệu: “Vì sự sống hãy VST” và đưa ra 5 thời điểm phải VST và 6 bước VST của NVYT khi chăm sóc BN.

     Thời điểm vệ sinh tay: Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quy trình rửa tay thường quy bao gồm 6 bước:

     Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

     Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.

     Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.

     Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).

     Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).

     Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

     Rửa tay ít nhất trong 30 giây, mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần.

    Chỉ mất khoảng 30 giây cho các bước rửa tay nhưng lại đem lại rất nhiều lợi ích cho bản thân chúng ta và những người xung quanh. Do đó, mỗi người cần tự nâng cao ý thức thực hiện rửa tay đúng cách để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

BÀI VÀ ẢNH CN. NGUYỄN THỊ DIỄM NHÂN

Thông báo Thông báo

Văn bản mới Văn bản mới

 về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B
 Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
 Quyết định ban hành “Đề cương tài liệu chuyên môn Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh”
 Quyết định số ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em
 Thông tư quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Hình ảnh Hình ảnh

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1